TẬP LUYỆN NHƯ THẾ NÀO TỐT CHO NGƯỜI CÓ BỆNH NỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
1.Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
2.Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường
Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.
• Đi tiểu thường xuyên
• Cảm thấy rất khát
• Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn
• Mệt mỏi nhiều
• Nhìn mờ
• Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:
• Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường type 1)
• Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường type 2)
3.Chế độ tập luyện, ăn uống
Khi mắc bệnh đái tháo đường chế độ luyện tập thể dục hàng ngày là rất quan trọng và cần thiết. Dưới đây là những bài luyện tập tốt mà người bệnh đái tháo đường nên lựa chọn.
1. Đi bộ hàng ngày
Là bài tập đơn giản giúp cho rèn luyện thể chất, giảm trạng thái stress, căng thẳng. Đi bộ bước nhanh 30 phút – 1 giờ/ ngày ít nhất 5 ngày/tuần sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cải thiện sức khỏe. Đi bộ vừa dễ dàng và trở thành hoạt động thể chất vừa là giúp thư giãn cơ . Khi bạn đã luyện tập và hình thành thói quen nó sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa và giàu năng lượng.
2. Bơi lội
Đây là một dạng bài tập Aerobic rất tốt mà không làm căng cơ như các bài tập khác. Bơi lội giúp cho các cơ ở chi trên và chi dưới cùng hoạt động. Chính sức cản của dòng nước rất tốt cho hoạt động của tim. Tuy nhiên khi bơi lội cũng là hoạt động đốt cháy năng lượng rất nhanh và làm giảm cholesterol máu và có nguy cơ hạ đường máu. Do đó khi bệnh nhân đái tháo đường typ2 chọ môn bơi lội thì nên báo cho nhân viên cứu hộ đang làm việc ở bể bơi đó để đề phòng các bất trắc có thể xảy ra trong quá trình bơi.
3. Đạp xe
Bệnh đái tháo đường có thể được cải thiện tốt bằng việc đạp xe hàng này với tần suất 20 – 30 phút/ngày, ít nhất 3 – 5 lần/tuần có tác dụng làm tăng nhịp tim, đốt cháy lượng đường trong máu và giúp giảm cân mà không gây đau đầu gối hay các cơ quan khác.
4. Một số bài tập tăng cường sức mạnh
Nếu bạn đang có một thân hình khỏe khoắn và bệnh đái tháo đường ở mức độ nhẹ thì một số bài tập tại các trung tâm thể dục với cường độ khoảng 2 lần/tuần có thể giúp cơ bắp, xương khớp vững chắc và hạ đường máu. Bạn cũng có thể thực hiện một số hoạt động thể chất sau tại nhà:
• Nâng chai nước hoặc các vật dụng đóng hộp khác
• Chống đẩy
• Bài tập cơ bụng
• Bài tập gánh tạ
• Bài tập chùng chân
5. Tập yoga
Yoga được đưa vào sử dụng từ 5000 năm trước, là một hoạt động thể lực ít tiêu thụ năng lượng, giúp bạn mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Các chuyển động, tư thế và tập trung vào hơi thở có thể giúp giảm căng thẳng và xây dựng cơ bắp khỏe mạnh hơn, đồng thời giúp giữ mức đường huyết ở mức ổn định. Yoga cũng là hoạt động giúp cân bằng cơ thể, đồng thời giúp giữ mức đường huyết ở mức ổn định
6. Tập thái cực quyền (taichi)
Nghệ thuật cổ xưa này của Trung Quốc sử dụng các chuyển động chậm, có kiểm soát cùng với sự hình dung và hít thở sâu làm tiền đề để luyện tập tăng cường sức khỏe. Nó cũng giúp cơ thể được linh hoạt, vận động và cân bằng. Bài tập nhẹ nhàng này còn có tác dụng giúp làm giảm tình trạng căng thẳng và ngăn ngừa các tổn thương dây thần kinh ở chân.
Để đạt mục tiêu kiểm soát tốt đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường thì bạn nên có chế độ luyện tập phù hợp. Bạn nên duy trì luyện tập ít nhất 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Nếu bạn chưa từng duy trì tập thể dục thì nên bắt đầu luyện tập trong khoảng 5 – 10 phút / ngày và tăng dần thời gian. Việc tập luyện sẽ giúp chức năng tim, phổi hoạt động tốt hơn và tăng cường dòng chảy của máu giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh tiểu đường đang mắc phải.
Một số loại thức ăn mà người bệnh đái tháo đường nên tránh
– Những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít…
– Các loại protein có hại như: các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường.
– Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói cũng khiến đường huyết của người bệnh không ổn định trong mức an toàn.
– Hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.
– Hạn chế uống rượu, bia và giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
Một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý sẽ giúp người bệnh duy trì sức khoẻ, tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống quá kiêng khem. Trên thực tế có một số bệnh nhân khi bị bệnh đái tháo đường rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.