TĂNG HUYẾT ÁP CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? LÀM SAO ĐỂ CHĂM SÓC HIỆU QUẢ CHO NGƯỜI HUYẾT ÁP
1.Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Đây là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê hiện nay trên thế giới có đến 1,13 tỷ người có huyết áp cao, con số này được dự đoán lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025. Bệnh thường diễn tiến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
2.Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát) chiếm 90%; khoảng 10% còn lại là các tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát.
– Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn)
Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, dư cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
– Tăng huyết áp thứ phát
Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp thì gọi là tăng huyết áp thứ phát. Nếu điều trị theo đúng nguyên nhân thì bệnh có thể chữa khỏi. Các nguyên nhân thường gặp là:
• Bệnh thận là nguyên nhân thường gặp nhất trong tăng huyết áp thứ phát (Ví dụ: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn, hẹp động mạch thận…)
• Bệnh lý tuyến thượng thận: Nếu u của tuyến này tiết bất thường các hormone sẽ làm huyết áp tăng. Điều trị cắt bỏ khối u có thể chữa khỏi bệnh huyết áp cao, không cần uống thuốc lâu dài hoặc lượng thuốc uống ít lại.
• Một số bệnh lý nội tiết khác cũng khiến huyết áp tăng như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing,…
• Một số loại thuốc khi uống như corticoides (điều trị bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn, dị ứng,..), thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai,…
• Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
• Tăng huyết áp ở trẻ em hoặc người trẻ cần phải loại trừ bệnh tim bẩm sinh do hẹp eo động mạch chủ. Khi đó huyết áp ở hai tay rất cao, trong khi huyết áp ở chân thì thấp hoặc không đo được. Điều trị bệnh này bằng phẫu thuật hoặc nong đặt stent trong lòng động mạch chủ đoạn bị hẹp.
3. Chế độ tập luyện, ăn uống
Tập luyện thể dục thể thao phù hợp là một trong những phương pháp điều trị tăng huyết áp hữu hiệu không cần dùng thuốc. Nguyên lý của phương pháp này là giúp điều hòa lượng cholesterol máu, kiềm chế xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu, giảm sức cản máu ngoại biên, từ đó giảm huyết áp.
Tuy nhiên các bài tập cần được bác sĩ tư vấn để phù hợp với mức độ tăng huyết áp, giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Có 2 bài tập thường được áp dụng để giảm huyết áp cho bệnh nhân tăng huyết áp độ I, II là đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ hoặc tập luân phiên giữa 2 bài tập cho phù hợp.
Chi tiết 2 bài tập như sau:
• Đi bộ nhanh
Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có thể đi bộ nhanh với tốc độ khác nhau. Nếu đi bộ với tốc độ 5 – 6km/giờ, tần số tim có thể đạt khoảng 100 – 110 nhịp/phút trong khi tập luyện. Một tuần bệnh nhân nên tập 5 – 7 buổi, mỗi buổi 40 – 60 phút sẽ cho kết quả tốt. Khi đã quen cần tăng dần cường độ vận động bằng cách chuyển sang chạy bước nhỏ để cải thiện thể lực, duy trì được hiệu quả tập luyện.
• Chạy bước nhỏ
Với những người mới bắt đầu tập chạy, trong những buổi đầu tiên (8 – 12 tuần đầu) nên chạy với tốc độ thấp để cơ thể thích nghi dần với lượng vận động. Trong thời gian này bệnh nhân có thể kết hợp tập luân phiên giữa đi bộ và chạy cho tới khi cơ thể có thể duy trì được cường độ chạy liên tục. Ở bệnh nhân tăng huyết áp, nên duy trì tốc độ chạy khoảng 7 – 8kgm/giờ tùy theo trạng thái sức khỏe. Tần số tim của bệnh nhân có thể đạt khoảng 120 – 130 nhịp/phút trong khi tập luyện. Khi đã quen với cường độ tập, bệnh nhân cần tăng thời gian chạy lên 20 – 30 phút/buổi, tập đều đặn ít nhất 3 – 4 buổi/tuần.
Trong quá trình tập luyện bạn nên hạn chế ăn uống các thực phẩm sau:
• Cà phê: Có thể làm tăng huyết áp cấp tính;
• Rượu: uống nhiều rượu có thể gây rối loạn tim mạch, tăng huyết áp kèm nguy cơ tai biến mạch máu não;
• Mỡ động vật: làm tăng cholesterol trong máu, gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp;
• Thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt;
• Không hút thuốc lá vì nicotin làm co mạch ngoại vi, gây tăng huyết áp.
Bệnh nhân tăng huyết áp nên thực hiện và hợp tác với bác sĩ trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện để hạn chế tối đa các tai biến của bệnh, đảm bảo một sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ, tránh các biến chứng.