Chế độ ăn cho người có bệnh nền tiểu đường

Để lựa chọn món ăn phù hợp cho người có bệnh nền tiểu đường, bạn cần nắm rõ những lưu ý sau:

– Lựa chọn những món ăn có chỉ số đường huyết GI thấp (<55). Những món ăn này sẽ làm chậm lại quá trình hấp thu đường vào máu. Từ đó chỉ số đường huyết sau khi ăn sẽ tăng chậm rãi và ổn định hơn, không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

– Lựa chọn những món ăn phù hợp sao cho bữa ăn cung cấp được đầy đủ chất đạm, chất béo, tinh bột và quan trọng nhất là chất xơ

– Chọn những món ăn có hàm lượng Calo không quá lớn nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu hoạt động hàng ngày

 Một số loại thức ăn mà người bệnh đái tháo đường nên tránh

– Những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít…

– Các loại protein có hại như: các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường.

– Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói cũng khiến đường huyết của người bệnh không ổn định trong mức an toàn.

– Hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.

Dưới đây là danh sách 7 món ăn thích hợp mà người bệnh tiểu đường có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

1.Khổ qua xào trứng

Chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với khổ qua (hay còn gọi là mướp đắng). Trong khổ qua có chứa hoạt chất lectin làm giảm lượng đường trong máu, giúp tế bào sử dụng glucose một cách hiệu quả, từ đó làm giảm sự thèm ăn.

Ngoài ra, khổ qua còn góp phần phòng ngừa biến chứng đái tháo đường khi lutein và zeaxanthin có trong khổ quan là những thành phần cấu tạo nên điểm vàng, giúp bảo vệ người bệnh khỏi biến chứng thoái hóa điểm vàng do đái tháo đường gây ra.

Trong khi đó, trứng lại chứa ít carbonhydrate. Do đó khi kết hợp khổ qua và trứng sẽ tạo ra món ăn chứa nhiều dưỡng chất nhưng không làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.

Nguyên liệu cần chuẩn bị: 

  • Khổ qua: 2 trái
  • Trứng gà: 2 quả
  • Hành lá, gia vị

Cách chế biến:

  • Khổ qua sau khi rửa sạch thì dùng dao bổ dọc, bỏ hết phần ruột và thái mỏng.
  • Ngâm khổ qua đã thái mỏng vào nước lạnh giúp giảm bớt vị đắng.
  • Đập 2 quả trứng gà, cho thêm gia vị và đánh đều.
  • Phi thơi hành tím, cho khổ qua vào xào, đảo đều trong 2 phút rồi cho trứng vào xào cùng.
  • Nêm nếm lại gia vị 1 lần nữa cho vừa ăn rồi tắt bếp.
  • Cuối cùng rắc thêm 1 chút hành lá để trang trí.
  • Thưởng thức ngay khi còn nóng là lúc món ăn ngon nhất, tránh để nguội sẽ làm trứng bị tanh.
  1. Canh khổ qua nhồi thịt

Tiếp tục một món ăn nữa từ khổ qua dành cho người tiểu đường. Bên cạnh khổ quan xào trứng, món canh khổ qua nhồi thịt cũng là món ăn dễ chế biến và được nhiều người ưa chuộng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị: khổ qua, thịt nạc xay, mộc nhỉ, nấm hương, cà rốt, hành, mùi tàu.

Cách chế biến:

  • Khổ qua rửa sạch, cắt bỏ hai đầu, bỏ rượt, phần thân cắt thành từng khúc dài 3-5cm.
  • Mộc nhĩ, nấm hương sau khi rửa sạch thì thái nhỏ. Cà rốt bào thành sợi rồi cũng cắt nhỏ. Sau đó trộn đều tất cả với với thịt nạc xay cùng một chút gia vị.
  • Nhồi hỗn hợp nhân thịt vào từng khúc khổ qua vừa cắt.
  • Đun sôi nước dùng, cho khổ qua nhồi thịt vào. Khi nước dùng sôi trở lại, đun thêm trên lửa nhỏ khoảng 15-20 phút nữa thì tắt bếp.
  • Múc khổ qua ra bát, rắc thêm hành, rau mùi đã cắt nhỏ để trang trí rồi thưởng thức.
  • Canh khổ qua nhồi thịt ăn nóng hay ăn nguội đều ngon. Hương vị đắng từ khổ qua hòa cùng vị mềm thơm từ thịt sẽ mang lại món canh đậm đà, ngọt mát.
  1. Thịt nạc heo xào cần tây

Trong cần tây có chứa nhiều thành phần có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường

  • Các flavonoid: chống lại quá trình oxy hóa gây hại cho tế bào beta của tuyến tụy. Trong khi đó, các tế bào này chịu trách nhiệm sản xuất insulin và điều chỉnh lượng glucose.
  • Apigenin: hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường như ngăn ngừa đục thủy tinh thể, bệnh võng mạch và mất cảm giác ở tay chân.
  • Quercetin – một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng hấp thu glucose ở gan và kích thích bài tiết insulin, từ đó làm chậm quá trình tiến triển của bệnh đái tháo đường.

Một món ăn từ cần tây mà bệnh nhân tiểu đường rất nên thêm vào chế độ ăn đó là thịt nạc heo xào cần tây.

Nguyên liệu cần chuẩn bị: 

  • 50g thịt nạc heo
  • 300g rau  cần tây
  • 1 quả trứng gà
  • Bôt năng, hành tím, gia vị.

Cách chế biến:

  • Thịt heo rửa sạch, thái miếng mỏng vừa xào.
  • Rau cần tây bỏ rễ, cắt thành khúc rồi rửa sạch
  • Trộn đều thịt heo đã thái mỏng với trứng gà và bột năng, nêm cùng với 1 chút muối.
  • Xào xơ qua cần tây trước.
  • Phi thơm hành tím, sau đó xào hỗn hợp thịt heo đến khi chín thì cho cần tây đã xào xơ qua vào, đảo 1-2 phút, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.
  1. Nấm xào cải xanh

Nấm là thực phẩm rất có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường bởi:

  • Hàm lượng vitamin B và polysacarit trong nấm có đặc tính liên quan trực tiếp đến tình trạng bệnh đái tháo đường, bao gồm làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện tình trạng kháng insulinvà giảm tổn thương tuyến tụy.
  • Thêm vào đó, beta glucan – một chất xơ hòa tan có trong nấm làm chậm quá trình hấp thụ đường, từ đó kiểm soát được lượng đường trong máu sau bữa ăn.

Nấm xào cải xanh là món ăn chứa nhiều chất xơ, vì vậy chùng an toàn tuyệt đối cho người mắc tiểu đường. Món ăn này được chế biến vô cùng đơn giản: Bạn chỉ cần:

Chuẩn bị:

  • 350g cải xanh đã rửa sạch và cắt thành khúc vừa ăn.
  • 10 tai nấm hương tươi cắt bỏ cuống và ngâm qua với nước.
  • 50g bắp non rửa sạch, thái chéo.
  • Thêm hành tím bóc vỏ, băm nhỏ và các loại gia vị cần thiết.

Chế biến:

  • Phi thơm hành tím với ít dầu, cho nấm vào xào.
  • Khi nấm chuyển sang màu đậm thì cho tiếp phần bắp non và rau cải xanh vào xào cùng.
  • Lúc này bạn nêm gia vị vừa ăn, xào thêm 3 phút rồi tắt bếp.
  1. Bông cải xanh xào tỏi

Bông cải xanh hay xúp lơ chứa chiết xuất sulforaphane có khả năng giảm sản xuất glucose tại gan và nồng độ glucose máu lúc đói, nhờ đó mà kiểm soát tốt lượng đường huyết.

Bông cải xanh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn món bông cải xanh xào tỏi vô cùng dễ thực hiện song vần cung cấp hàm lượng chất xơ và vitamin dồi dào tới người bệnh tiểu đường.

Cách chế biến:

  • Rửa sạch bông cải xanh, tách thành những nhánh nhỏ và cắt khúc vừa ăn.
  • Trần bông cải xanh qua nước sôi 1-2 phút rồi vớt ra.
  • Phim thơm hành tỏi rồi cho bông cải xanh vào xào cùng, đảo đều tay trong 2 phút, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.
  1. Thịt vịt hầm hạt sen

Hạt sen là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp lại giàu chất xơ nên có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Hơn thế nữa hàm lượng natri thấp và magie cao trong hạt sen đặc biệt có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường kèm thừa cân, béo phì.

Đối với món thịt vịt hầm hạt sen hãy cố gắng ăn phần ức, không nên ăn da hoặc những phần có nhiều mỡ, điều này giúp làm giảm hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol nạp vào cơ thể.

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món ăn này bao gồm:

  • Thịt vịt: 1/2 con
  • Hạt sen khô: 50g
  • Nấm hương: 100g
  • Nước dừa: 1 quả
  • Hành, tỏi, gia vị

Chế biến:

  • Thịt vịt rửa sạch với nước muối để khử mùi hôi lần 1. Sau đó tiếp tục ngâm với gừng, muối, rượu khoảng 10 phút rồi rửa lại với nước để khử mùi hôi lần 2.
  • Chặt đôi vịt đem ướp với tiêu, gia vị, hạt nêm khoảng 30 phút để thịt ngấm đều.
  • Trong lúc chờ thịt vịt ngấm thì rửa sạch hạt sen và ngâm nấm hương với nước nóng cho nở, sau đó rửa lại với nước.
  • Phi thơm hành tỏi rồi cho xào thịt vịt đến khi thịt săn lại. Lúc này đổi nước dừa và hạt sen vào hầm trên lửa nhỏ trong 45 phút.
  • Khi vịt chín mềm cho thêm nấm hương đun 5-10 phút rồi nêm nếm gia vị và tắt bếp.
  1. Cháo đậu đỏ

Đậu đỏ cung cấp nguồn carbohydrate phức hợp, giúp cơ thể tiêu hóa chậm, từ đó kiểm soát lượng đường trong máu một cách dễ dàng. Không chỉ vậy đậu đỏ giàu chất xơ và protein giúp bạn no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món cháo đậu đỏ chỉ cần gạo tẻ (1/2 bát) và đậu đỏ (150g)

Chế biến:

  • Gạo vo sạch ngâm khoảng 1 tiếng, đậu đỏ ngâm 30 phút
  • Sau khi đậu đỏ đã ngâm mềm thì vớt đậu ra, cho vào nồi ninh cùng 1l nước.
  • Cho gạo vào nấu cùng đến khi gạo nở ra thì nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.